GỖ CLT LÀ GÌ?
Siêu Chung Kỳ – Cross Laminated Timber, hay CLT (tạm dịch là: gỗ ép ghép thanh) là loại vật liệu đang đảo lộn sự thống trị của thép và bê tông.
Được biết đến bởi tính bền vững cao, gỗ CLT có sức hút lớn trong ngành xây dựng nhờ giá rẻ, thời gian sản xuất nhanh, ít gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn hơn cấu trúc truyền thống.
Hơn 5 năm qua, việc sử dụng gỗ CLT đã tăng lên đáng kể. Vật liệu này đang được dùng để xây dựng hàng loạt công trình độc đáo, có sức bền như nhà ở, trường học, văn phòng hay tòa tháp.
SẢN XUẤT GỖ CLT
Gỗ CLT còn có tên gọi là “siêu ván ép”, được sản xuất tại nhà máy với sự kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc các loại gỗ. Người ta sản xuất CLT từ gỗ thông Spruce, dù các loại gỗ khác như Scots, Larch hay Douglas vẫn có thể được sử dụng.
Sau khi vận chuyển gỗ đến nhà máy, toàn bộ sẽ được bào và cho vào lò sấy để chống ẩm. Sau đó, gỗ được xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp. Mỗi lớp trên được xếp vuông góc với lớp dưới. Các lớp gỗ này được dán lại bằng chất keo kết dính không độc hại, rồi ép thủy lực để tạo ra các tấm gỗ lớn có kết cấu bền chặt.
Về lý thuyết, các tấm riêng lẻ có thể mang nhiều kích thước. Tuy nhiên, chiều rộng của chúng phải nằm trong kích thước của máy sản xuất (thường rộng khoảng 3.5m). Chiều dài lại phụ thuộc vào cách vận chuyển đến công trường, thường dài khoảng 13.5m, nhưng có tấm 22m cũng được sản xuất.
Sử dụng máy gia công gỗ CNC hiện đại có thể tạo ra mọi hình dáng thông qua bảng điều khiển tự động. Có nghĩa là các bộ cửa chính hay cửa sổ được cắt sẵn ngay tại nhà máy rồi cho vận chuyển đến công trường.
Việc chế tạo chỉ giới hạn ở số ít nhà máy thuộc các nước có vùng núi cao như nhà máy Stora Enso (Áo). Mặc dù điều này buộc phải vận chuyển các tấm gỗ bằng đường bộ, nhưng năng lượng thể hiện lại vượt xa mức tiết kiệm carbon.
Các quan điểm ủng hộ sử dụng CLT cho rằng: việc sản xuất các cấu kiện bằng gỗ chỉ tiêu thụ 50% năng lượng so với bê tông và 1% năng lượng so với thép.
XÂY DỰNG VỚI GỖ CLT
Các tấm gỗ đúc sẵn sẽ được chuyển đến công trường khi cần thiết. Đây là phương pháp lý tưởng dành cho những công trường bị hạn chế về quy mô lưu trữ. Các dây đai cũng được bố trí sẵn để nâng các tấm gỗ vào đúng vị trí lắp đặt nhằm tiết kiệm thời gian xây dựng lẫn chi phí.
Vì gỗ được dùng đã sấy khô nên CLT không được co lại hoặc cong vênh khi đến công trường. Tuy nhiên, cũng giống với các đặc tính của gỗ, CLT cần có khả năng chống ẩm và được bảo vệ bề mặt bên ngoài.
Xây dựng với CLT làm giảm trọng lượng tổng thể của kết cấu so với bê tông và giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng. Quá trình xây dựng này cũng “sạch” hơn phương pháp truyền thống khi hạn chế ô nhiễm bụi và tiếng ồn, đặc biệt với các công trình trong khu đô thị.
XÂY DỰNG VỚI GỖ CLT CÓ AN TOÀN?
Mặc dù gỗ CLT có nhiều lợi ích, song người ta vẫn lo lắng khi sống và làm việc trong các tòa nhà bằng gỗ. Một số còn cho rằng các cấu trúc gỗ có nguy cơ gây hỏa hoạn, đặc biệt nguy hiểm ở các tầng 10, 20 hoặc cao hơn.
Tuy ở nhiệt độ cao nhưng gỗ CLT vẫn có tính ổn định về cấu trúc. Khi tiếp xúc với lửa, bề mặt tiếp xúc bị cháy, tạo thành một lớp bao quanh bảo vệ lõi gỗ. Lớp này có khả năng cách nhiệt, làm trì hoãn sự bùng phát nhiệt.
Khả năng chống cháy của CLT tuân theo các cấp độ chống cháy trong khoảng từ 30 đến 120 phút tùy thuộc vào kỹ thuật và hình thức của nó.
SỰ TRỖI DẬY CỦA GỖ CLT
Việc tiếp cận và sử dụng CLT được thúc đẩy nhờ vào các thông tin về tính bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự hồi sinh của thị trường xây dựng lại gây áp lực lên nguồn cung cấp vật liệu truyền thống. Điều này thúc đẩy nhận thức sử dụng gỗ CLT nhiều hơn.
Ban đầu, các tòa nhà gỗ CLT chủ yếu là các công trình nhỏ và thấp tầng. Nhưng giờ đây vật liệu này lại đang được xem xét cho các công trình cao hơn.
Kể từ khi công ty kiến trúc Waugh Thistleton xây dựng tòa nhà chọc trời bằng gỗ (plyscraper) đầu tiên vào 2009, nhiều nhà cao tầng bằng gỗ khắp thế giới cũng dần mọc lên. Trong 5 năm qua, các tòa tháp gỗ CLT cao đến 30m cũng phát triển nhiều hơn tại Úc, Mỹ và châu Âu.
* Theo Tom Ravenscroft (The B1M)
* Phiên dịch: Siêu Chung Kỳ