HẠNH PHÚC LÀ KHI CÒN ĐƯỢC ĐỐI MẶT VỚI ÁP LỰC

Siêu Chung Kỳ – Sẽ có lúc bạn phải đương đầu với nhiều áp lực trong công việc như khi dự án không trúng thầu, một sản phẩm bị lỗi hay tiến độ thi công chậm kế hoạch… Tất cả đều là mớ hỗn độn khiến bạn mắc kẹt mà chưa có lối ra.

Chẳng ai muốn mình gặp áp lực. Nhưng áp lực, thậm chí thất bại là điều rất tự nhiên. Không có thành công nào mà không trải qua thất bại. Cũng chẳng có bình yên nào mà không đi qua giông bão. 

Thất bại giúp ta hiểu rõ bản thân có điểm mạnh nào và hạn chế ở đâu. Thất bại tạo ra cơ hội để chúng ta được trải nghiệm chính mình. “Cận thủy tri ngư tính, cận sơn thức điểu âm”, nếu không gần nước thì sao biết được cá sống thế nào, nếu chẳng gần núi thì sao hiểu được tiếng chim.

Càng áp lực và khó khăn, chúng ta càng được tôi luyện ý chí. Vậy làm thế nào để chuyển hóa thất bại thành lợi thế?

Đầu tiên,

hãy chấp nhận thất bại.

Dẫu biết không thể tránh khỏi những tổn thương nhưng khi bạn cho phép nó tồn tại, đồng nghĩa là bạn đang thích nghi với chúng và biết nên làm gì để vượt qua. Điều đó cũng chứng tỏ bạn là người có óc thực tế, dám đối mặt với vấn đề của mình. Đừng đổ lỗi cho số phận hay cố gạt bỏ nó đi, cũng đừng tự lừa dối chính mình bằng một nụ cười gượng gạo. 

Thứ hai,

bạn không hề thất bại, chỉ đang lùi một bước.

Thay vì cứ loay hoay chìm đắm trong nỗi đau của thất bại, hãy dành thời gian để xác định nguyên nhân là gì, mục tiêu nào cần điều chỉnh. Đồng thời tiếp tục đầu tư bản thân bằng kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng giải quyết vấn đề. Việc xem những khó khăn chỉ tạm thời là một thái độ lạc quan, tích cực. Chúng ta thất bại hôm nay không có nghĩa sẽ thất bại ngày mai. 

Nguồn ảnh: coralsandsacademy.com

Thất bại luôn là bài học giá trị mà chỉ có bạn mới tự đúc kết được. Nữ kiến trúc sư Zaha Hadid đã từng nói:

“Có đến 360 độ trong góc hình học, vậy tại sao lại chỉ nhìn vào một góc?”

Thay vì chỉ chăm chăm vào phần nổi của tảng băng (những áp lực, thất bại) thì thử ngẫm xem phần chìm còn lại có giúp bạn chiêm nghiệm những bài học quý giá sau mỗi va vấp? Bạn có tự hình thành ý thức kỷ luật cho bản thân hay đợi người khác áp đặt? Bạn sẵn sàng thoát khỏi vỏ bọc để vươn lên? 

Giữa bộn bề công việc và cuộc sống, chúng ta nên dành thời gian để thấu hiểu chính mình và lắng nghe những cảm nhận về hạnh phúc thực tại. Đó là hạnh phúc ngay cả khi vẫn còn được đối mặt với áp lực hay là động lực để tiếp tục chinh phục những mục tiêu trong tương lai.

Đừng quên đón đọc Bí mật hạnh phúc trong công việc – Phần 2: Một văn hóa minh bạch ở bài viết tiếp theo.

Siêu Chung Kỳ