XÂY NHÀ CHỌC TRỜI BẰNG GỖ, TẠI SAO KHÔNG?

Siêu Chung Kỳ – Những công trình kiến trúc cao tầng bằng gỗ đang có xu hướng thay thế thép và bê tông. Việc sử dụng gỗ làm công trình trở thành một trong những giải pháp thiết thực với môi trường.

Trong 6 năm qua, thế giới đã xuất hiện 44 tòa nhà gỗ cao 14 tầng, khoảng 55m. Nổi bật là tòa nhà T3, viết tắt của Timber – Technology – Transit (gỗ, công nghệ, giao thông), đã sử dụng 3.600m3 gỗ do Michael Green Architecture và DLR Group thiết kế. Hay tòa tháp dân cư HAUT 73m có khung gỗ cao nhất Hà Lan do Team V Architectuur phụ trách.


Những công trình này được triển khai nhờ chính sách thúc đẩy thiết kế nhà gỗ cao tầng của chính phủ các nước. Năm 2017, Canada đã công bố chương trình “Xây dựng xanh với gỗ” nhằm tài trợ cho các dự án trồng rừng thâm canh gỗ và sử dụng gỗ sáng tạo. Tương tự đầu năm 2021, Hội đồng Quy chuẩn Quốc tế ICC đã thông qua 14 thay đổi trong Quy tắc Xây dựng Quốc tế, trong đó cho phép tăng chiều cao xây dựng gỗ lên đến 80m.

Nguồn ảnh: Ema Peter – The Wood Innovation Design Center

Những nỗ lực trên đã chứng minh lợi ích bền vững của gỗ trong xây dựng nhà cao tầng. Vào tháng 4/2021, Thị thưởng thành phố New York (Mỹ) đã tuyên bố “sẽ không còn chỗ đứng” cho các tòa nhà thép và kính do các tác động tiêu cực đến môi trường. Tuyên bố này dựa trên nghiên cứu tỷ lệ phát thải khí nhà kính (phát sinh chất thải) và năng thượng thể hiện của thép lẫn bê tông rất cao.

Nguồn ảnh: Ema Peter – The Wood Innovation Design Center

Chỉ một mét vuông sàn bằng thép nhưng lại thải đến 40kg khí CO2 và tiêu hao 516 MJ (Mê-ga-jun, đơn vị năng lượng), với bê tông thì thải 27kg khí CO2 và tiêu hao 290 MJ. Trong khi đó, gỗ chỉ thải 4kg CO2 và tiêu hao 80 MJ.

Có thể thấy khi xây dựng một mét vuông không gian bằng gỗ sẽ giảm đến 1/10 lượng khí thải CO2 so với sản lượng ban đầu. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh lượng khí thải của nhà gỗ thấp hơn 74% so với nhà thép và thấp hơn 69% so với nhà bê tông.

Nội thất của Tòa nhà UBC Earth Sciences Building. Nguồn ảnh: Martin Tessler

Tính bền vững của gỗ còn được thể hiện qua các đặc tính tự nhiên. Gỗ là vật liệu tái tạo (không giống các tài nguyên không thể tái tạo như dầu mỏ hay than đá). Gỗ còn là một “bể chứa carbon” do trong quá trình quang hợp, gỗ hấp thụ CO2 từ khí quyển và tự tích trữ đến hàng chục năm.

Nguồn ảnh: Ema Peter – The Wood Innovation Design Center

Sử dụng gỗ trong xây dựng công trình là một trong những giải pháp thiết thực với môi trường. Bởi nó góp phần giảm lượng khí thải CO2 chỉ còn 14-31% và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu còn 12-19%. 

  • Những thông tin trong bài viết có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng gỗ để bảo vệ môi trường. Hơn nữa, ngành lâm nghiệp cũng có nhiều nghiên cứu về đặc tính, thời gian tăng trưởng từng loại cây… để khai thác hợp lý, đúng quy định và giảm nguy cơ thiếu gỗ trong tương lai.
  • Bạn cũng có thể tham khảo Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản” dành cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, tận dụng, tận thu gỗ.
Brock Commons Tallwood House đang được xây dựng. Nguồn ảnh: naturalwood.com

Theo Lilly Cao/ ArchDaily

Phiên dịch Siêu Chung Kỳ